top of page
Library

Kiến thức cơ bản

Các Lệnh Giao Dịch Hàng Hóa Phái Sinh Cơ Bản

Lệnh thị trường (Market Order) là lệnh mua hoặc bán một hợp đồng phái sinh ở mức giá tốt nhất đang được chào giá trên thị trường tại thời điểm đặt lệnh và lệnh sẽ khớp ngay lập tức. Tuy nhiên, giá thực hiện có thể khác với giá mong muốn do biến động thị trường. 


Lệnh giới hạn (Limit Order), còn được gọi là lệnh chờ, đây là lệnh mua hoặc bán một hợp đồng phái sinh tại một mức giá xác định trước hoặc tốt hơn. Trong đó, lệnh giới hạn mua thường khớp ở mức giá tối đa mà nhà đầu tư chấp nhận giao dịch (giá mua xác định trước) hoặc thấp hơn; còn giá giới hạn bán sẽ khớp ở mức giá tối thiểu mà nhà đầu tư chấp nhận giao dịch hoặc cao hơn. Ngoài ra, lệnh giới hạn có thể được ứng dụng trong việc chốt lời.


Ví dụ, hiện tại giá hợp đồng Đậu tương kỳ hạn tháng 11/2024 có giá 1,027 cent/giạ. Tuy nhiên, một nhà đầu tư nghĩ rằng sẽ còn giá tốt hơn để mua, và nhà đầu tư muốn mua 3 hợp đồng Đậu tương kỳ hạn tháng 11/2024, với mức giá không vượt quá 1,024 cent/giạ. Nhà đầu tư này có thể đặt lệnh mua giới hạn với khối lượng tương ứng cho hợp đồng đậu tương này với mức giá mong muốn nói trên cho kỳ hạn tháng 11/2024. Lệnh mua này sẽ khớp nếu giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2024 ở mức giá là 1,024 cent/giạ hoặc giá tốt hơn.


Sau đó, nếu nhà đầu tư này nghĩ rằng, giá có thể tăng lên mức 1,026 cent/giạ - mức giá mà nhà đầu tư có lãi. Nhà đầu tư sẽ đặt lệnh giới hạn bán ở 1,026 cent/giạ.


Lệnh dừng (Stop Order), hay còn được gọi là lệnh chặn, là lệnh có điều kiện. Khi giá thị trường chạm giá dừng, lệnh được kích hoạt trở thành lệnh thị trường. Trong đó, lệnh dừng mua sẽ trở thành lệnh thị trường khi giá của hợp đồng phái sinh bằng hoặc cao hơn giá dừng; ngược lại, lệnh dừng bán sẽ trở thành lệnh thị trường khi giá của hợp đồng bằng hoặc thấp hơn giá dừng. Nói cách khác, lệnh dừng còn được dùng để cắt lỗ.


Ví dụ, một nhà đầu tư bán 3 hợp đồng Đậu tương kỳ hạn tháng 11/2024, với mức giá 1,024 cent/giạ. Do nhà đầu tư vào vị thế bán, nên khi giá tăng lớn hơn mức 1,024 cent/giạ nhà đầu tư có khả năng thua lỗ và mức giá thua lỗ tối đa có thể chấp nhận được của người này là 1,026 cent/giạ. Chính vì vậy nhà đầu tư đã đặt lệnh dừng mua ở mức 1,026 cent/giạ để đóng vị thế nếu thị trường có khả năng diễn biến đi lên.


Lệnh dừng giới hạn (Stop-Limit Order), được xem là một dạng khác của Lệnh dừng, đây là lệnh kết hợp của lệnh lệnh dừng và và lệnh giới hạn. Khi giá đạt tới giá dừng, lệnh dừng giới hạn sẽ được kích hoạt thành lệnh giới hạn, tức khớp lệnh ở mức giá giới hạn hoặc ở mức giá tốt hơn. Còn lệnh dừng thông thường, khi giá thị trường chạm giá dừng, thì lệnh được kích hoạt là lệnh thị trường.


Ví dụ, một nhà đầu tư đã mua hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 11/2024 với mức giá 1,024 cent/giạ. Nhằm hạn chế rủi ro giá đi xuống quá nhanh. Nhà đầu tư này có thể đặt một lệnh dừng giới hạn để bán với giá dừng (hay còn gọi là giá kích hoạt) là 1,020 cent/giạ và giá giới hạn là 1,019 cent/giạ. Điều này có nghĩa rằng, khi giá giảm xuống mức giá dừng là 1,020 cent/giạ, lệnh sẽ được kích hoạt và trở thành lệnh giới hạn bán với giá không thấp hơn 1,019 cent/giạ.


Xét về hiệu lực lệnh, có 6 lệnh cơ bản:

  • Lệnh Day Order: lệnh chỉ có hiệu trong ngày giao dịch hiện tại và nếu lệnh không khớp trong ngày giao dịch, lệnh sẽ bị hủy bỏ vào cuối ngày. 

  • Lệnh GTC (Good-Til-Canceled Order) là lệnh có hiệu lực cho đến khi khớp hoặc hủy, tức sẽ có hiệu lực cho đến khi lệnh được thực hiện hoàn toàn hoặc người đặt lệnh hủy nó.

  • Lệnh GTD (Good-Til-Date Order - GTD) là lệnh đến một ngày cụ thể trong tương lai. Nếu lệnh không được khớp trước ngày định sẵn, nó sẽ bị hủy bỏ vào cuối ngày đó.

  • Lệnh GT (Good-Til-Time Order - GT) là lệnh có hiệu lực đến thời gian xác định trước, nếu lệnh không khớp hết lệnh sẽ trở thành lệnh Parked.

  • Lệnh FAK (Fill-And-Kill Order): Nếu không khớp hết số lượng đặt lệnh ngay lập tức, lệnh sẽ tự động hủy khối lượng còn lại chưa khớp.

  • Lệnh khớp hoặc hủy toàn bộ (Fill-Or-Kill Order - FOK): Nếu không khớp hết số lượng đặt lệnh ngay lập tức, lệnh sẽ tự động hủy toàn bộ lệnh.


Nguồn: Tổng hợp

Bài viết khác

Mối Liên Hệ Giữa Hàng Hóa Phái Sinh Và Cổ Phiếu (P.1)

Hàng hóa phái sinh giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, giảm thiểu rủi ro nếu thị trường chứng khoán biến động.

Giải Mã Hợp Đồng Tương Lai Niêm Yết: Hiểu Rõ Vai Trò và Tác Động Trong Thị Trường Tài Chính

Hợp đồng tương lai niêm yết (listed derivatives) đóng vai trò quan trọng trong thị trường tài chính ngày nay , mang lại những công cụ tiên tiến cho việc quản lý rủi ro, đầu cơ và đầu tư chiến lược.

Các Mốc Thời Gian Trong Giao Dịch Hàng Hóa Phái Sinh

Tìm hiểu về các mốc thời gian quan trọng trong giao dịch hàng hóa

bottom of page