Kiến thức cơ bản
Mối Liên Hệ Giữa Hàng Hóa Phái Sinh Và Cổ Phiếu
Thế nào thị trường hàng hóa phái sinh?
Từ phái (派) trong phái sinh (派生) có nghĩa là nhóm, nhánh hoặc thuộc về một trường phái nào đó; còn sinh (生) có nghĩa là sinh ra, phát sinh hoặc phát triển. Vì vậy, "phái sinh" có nghĩa là sự phát sinh hoặc hình thành ra từ một cái gì đó ban đầu.
Trong bối cảnh tài chính, “phái sinh” dùng để chỉ các công cụ tài chính được phát triển hoặc được sinh ra dựa trên giá trị của một tài sản cơ sở như hàng hóa, cổ phiếu, trái phiếu, hoặc chỉ số thị trường; và hàng hóa phái sinh là các công cụ tài chính có giá trị dựa trên giá trị của một hàng hóa cơ bản có thể là nông sản (như lúa mì, ngô, đậu tương/đậu nành...), kim loại (như bạc, đồng...), năng lượng (như dầu thô, khí đốt) hoặc các tài sản khác. Từ đó, có thể suy ra, thị trường hàng hóa phái sinh là nơi mà các nhà đầu tư giao dịch các hợp đồng dựa trên giá trị của hàng hóa nói trên.
Lợi ích của việc giao dịch hàng hóa phái sinh và cổ phiếu
Cổ phiếu có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao, nhưng cũng đi kèm với mức độ rủi ro cao. Thị trường chứng khoán có thể biến động và các nhà đầu tư có thể chịu tổn thất đáng kể trong thời kỳ thị trường suy thoái.
Hàng hóa phái sinh giúp nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình, giảm thiểu rủi ro nếu thị trường chứng khoán biến động. Chẳng hạn, nếu thị trường chứng khoán đang đi xuống, nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường hàng hóa thông qua các hợp đồng phái sinh. Các hợp đồng phái sinh có thể mua ngay và bán ngay, chốt lãi trong ngày.
Ngoài ra, nhà đầu tư chứng khoán có thể sử dụng hợp đồng phái sinh để bảo hiểm cho danh mục đầu tư của mình. Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của một công ty dầu khí, họ có thể mua hợp đồng tương lai dầu để bảo vệ lợi nhuận của mình nếu giá dầu giảm; điều này cũng có thể làm tương tự đối với cổ phiếu của các công ty kinh doanh về đường hay cà phê.
Giá cả của hàng hóa phái sinh thường phản ánh kỳ vọng về các yếu tố kinh tế lớn như lạm phát, lãi suất, và tăng trưởng kinh tế. Vì thế, nhà đầu tư chứng khoán có thể sử dụng thông tin từ thị trường hàng hóa phái sinh để dự đoán xu hướng thị trường chứng khoán.
Ví dụ việc tăng giá dầu có thể dự đoán giá cổ phiếu các công ty dầu khí tăng như ExxonMobil, Chevron, hoặc BP ở thị trường nước ngoài; còn ở Việt Nam là các cổ phiếu như BSR, GAS.
Sự biến động mạnh trong giá dầu cũng có thể là một tín hiệu về những thay đổi trong tình hình kinh tế toàn cầu. Ví dụ, giá dầu tăng đột biến có thể làm tăng nguy cơ lạm phát, dẫn đến các biện pháp thắt chặt tiền tệ từ ngân hàng trung ương, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nói chung.
Nguồn: SFVN tổng hợp