Phân tích cơ bản
Biến động của giá dầu thô và giao dịch dầu thô
Có nhiều yếu tố về mặt cơ bản ảnh hưởng đến giá dầu thô, bao gồm mối liên hệ giữa cung và cầu hay sự biến động của đồng USD. Đặc biệt, giá dầu thô có sự nhạy cảm đối với các biến động địa chính trị toàn cầu, nhất là ở những khu vực sản xuất chính.
Cung - cầu là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến giá của hầu hết các loại hàng hóa và dầu thô cũng không ngoại lệ. Các thông tin về cung cầu dầu thô có thể tìm kiếm trong các báo cáo định kỳ của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), báo cáo dầu thô hàng tháng của khối OPEC, hoặc từ các tổ chức khác như Baker Hughes hay từ Viện Dầu khí Mỹ (API). Tác động của hai yếu tố này có thể được tổng hợp theo bảng ma trận bên dưới:
Nguồn: Principles of macroeconomics
Về nguồn cung, sản lượng dầu thô từ Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chiếm tới 40% sản lượng dầu thế giới. Tổ chức này thiết lập mục tiêu khai thác hoặc hạn ngạch cho các thành viên của mình. Về mặt lịch sử, giá dầu thường tăng khi sản lượng khai thác mục tiêu của OPEC giảm đi. Mặt khác, vì thị phần lớn, nên mỗi dự tính hoặc hành động của nhóm có thể tác động đến giá dầu thế giới. Trong đó, dấu hiệu thay đổi có thể tới từ Saudi Arabia – thành viên có sản lượng lớn nhất. Sau này, OPEC cùng với một liên minh khác do Nga dẫn đầu – quốc gia có sản lượng dầu thô lớn khác, hình thành nên OPEC+.
Sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC cũng đáng quan tâm, chiếm đến 60% sản lượng dầu thế giới. Các trung tâm sản xuất chính gồm Bắc Mỹ, các khu vực thuộc Liên Xô cũ và Biển Bắc. Được biết, các nhà sản xuất này thường chấp nhận giá, ít khi tìm cách tác động tới giá.
Nguồn: EIA
Về nhu cầu, có thể quan sát các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm Mỹ, châu Âu và các quốc gia công nghiệp hóa khác, chiếm 46% lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu năm 2001, tùy vào cấu trúc kinh tế của mỗi quốc gia sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa giá dầu, tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ dầu.
Tuy nhiên, các quốc gia nhóm này tiêu thụ ít hơn các quốc gia ngoài nhóm, gọi là non-OECD, với tỷ lệ các ngành sản xuất trong nền kinh tế lớn hơn, do đó sử dụng năng lượng nhiều hơn các quốc gia phát triển thiên về dịch vụ. Trong đó, Trung Quốc là một điển hình, sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc đã đưa nước này trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất và tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới. Ngoài ra, mức tiêu thụ dầu ngày càng tăng của Trung Quốc là nguyên nhân chính thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ dầu trên toàn thế giới.
Đối với các trader, con số tồn kho hàng tuần từ EIA cũng là dữ liệu cần theo dõi. Cứ mỗi thứ 4, cơ quan này sẽ công bố chi tiết hoạt động lọc hóa dầu, tồn kho, nhập khẩu…Thông tin từ EIA luôn gây ra biến động đối với giá dầu.
Sức mạnh của đồng USD (đo lường qua DXY) là yếu tố khác tác động đến giá dầu. Nguyên nhân trên thế giới, giá dầu thô được tính bằng đồng USD. Đồng đô la Mỹ cao hơn có xu hướng gây áp lực giảm đối với các tài sản dựa trên đồng USD như dầu thô; ngược lại, một đồng đô la yếu đẩy giá cao hơn. Lý do thực sự là vì một đồng đô la rẻ hơn làm cho dầu thô có giá hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng nước ngoài và do đó, làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm này. Mặt khác, việc đồng USD mạnh lên cũng làm sức hấp dẫn của việc đầu tư vào hợp đồng dầu thô đối với các nhà đầu tư.
Biến động của đồng USD có thể chịu ảnh hưởng bởi các dữ liệu kinh tế quan trọng như bảng lương phi nông nghiệp Mỹ (non-farm payrolls) gồm tỷ lệ thất nghiệp, số lượng việc làm tại các doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ. NFP tốt như tỷ lệ việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm và tăng trưởng thu nhập bình quân tăng, sẽ khiến đồng USD tăng giá, cho thấy sự lạc quan của nhà đầu tư vào nền kinh tế. Ngoài ra, các quyết định lãi suất của Fed cũng tác động đến đồng USD.
Nguồn: MacroMicro
Giá dầu thô cũng gắn liền với địa chính trị và quan hệ quốc tế, do đó cần theo dõi tình trạng quan hệ của các quốc gia khác nhau, cũng như sự ổn định và thịnh vượng chung của các khu vực sản xuất và tiêu thụ. Bất kỳ tin tức nào từ các khu vực này đều có khả năng phá vỡ sự cân bằng giữa cung và cầu và làm thay đổi giá dầu.
Cuộc chiến giữa Iran và Iraq vào những năm 1980 là một ví dụ cho việc nguồn cung giảm do xung đột, đây là thời kỳ cung cầu thay đổi do quan hệ quốc tế tại một khu vực sản xuất dầu lớn. Xung đột nội bộ, chẳng hạn như tình trạng bất ổn ở các khu vực sản xuất dầu mỏ của Nigeria hay cuộc nội chiến ở Libya, có thể có tác động tương tự. Tranh chấp địa chính trị giữa các nhà sản xuất dầu lớn và người tiêu dùng cũng có thể làm giảm nguồn cung. Sau khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga, khiến nguồn cung giảm và dẫn đến giá dầu nói chung cao hơn.
Xung đột ở Biển Đỏ cũng làm ảnh hưởng đến giá dầu, đây là một tuyến đường không thể thiếu đối với nguồn cung dầu thô toàn cầu, làm kéo dài thời gian và chi phí vận chuyển, kéo theo suy yếu khả năng sẵn sàng của thị trường để xử lý sự gián đoạn nguồn cung tiềm ẩn trong tương lai.
Mặt khác, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được theo dõi chặt chẽ. Bất kỳ tranh chấp nào giữa những người tiêu dùng dầu thô lớn này đều có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu chung; và bầu cử ở Mỹ cũng được theo dõi chặt chẽ nhằm hiểu rõ quan điểm của ứng cử viên đắc cử về năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch.
Các hoạt động giao dịch trên thị trường tài chính cũng ảnh hưởng đến giá dầu vì một trong những vai trò của thị trường tương lai là hình thành giá (price-discovery). Trên thị trường sẽ có nhiều bên tham gia với những động cơ khác nhau và ngay cả trong mỗi bên này cũng có động cơ khác nhau. Các ngân hàng, quỹ đầu cơ, cố vấn giao dịch hàng hóa (CTA) và các nhà quản lý vốn (money managers) khác là những bên không quan tâm đến việc giao dịch dầu vật chất, chủ yếu muốn kiếm lợi từ những thay đổi về giá, điều này mặt khác cũng giúp tăng thêm tính thanh khoản cho thị trường.
Nguồn: Tổng hợp