Phân tích cơ bản
Diễn biến giá dầu và xu hướng
Giá dầu thô được giới phân tích nhận định sẽ có sự hạ nhiệt trong năm 2024, nhưng rủi ro tăng giá vẫn hiện hữu bởi tác động của những cuộc xung đột địa chính trị diễn ra tại các khu vực sản xuất dầu chính.
Giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 cho đến nay. Giá dầu thô WTI (kỳ hạn tháng 8/2024), tăng từ vùng giá khoảng 70 USD/thùng, tăng lên 85 USD/thùng trong tháng 4/2024. Diễn biến giá dầu Brent cũng tương tự, trong ngắn hạn, giá dầu đã tăng liên tục trong 4 tháng kể từ đầu năm 2024, chạm mốc 90 USD/thùng trong tháng 4. Nguyên nhân có thể kể đến do tồn kho dầu toàn cầu giảm, căng thẳng địa chính trị trong bối cảnh xung đột giữa Iran và Israel; và kỳ vọng về tiến trình cắt giảm lãi suất sớm của Fed trong năm 2024.
Nguồn: Barchart, cập nhật đến ngày 21/05/2024
Các nhà quản lý vốn phần lớn lạc quan về dầu trong nửa đầu tháng 4, nâng mạnh vị thế mua ròng đối với ICE Brent lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2021, có thể đã được thúc đẩy bởi những lo ngại về nguồn cung dầu trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Trong khi đó, các quỹ này đã giảm vị thế mua ròng dầu WTI, do số vị thế bán tăng mạnh.
Nguồn: OPEC
Trong 3 tuần giao dịch đầu của tháng 5, giá dầu thô thế giới (WTI) gần như đi ngang trong vùng giá 78 USD/thùng. Việc Fed chưa đưa ra lộ trình rõ ràng trong việc cắt giảm lãi suất, cùng với đó là dữ liệu về tồn kho hàng tuần của Mỹ cao hơn so với dự báo cũng như sản lượng dầu thô của Mỹ được củng cố đã tác động lên tâm lý thị trường. Ngoài ra, thông tin tiêu cực cho giá dầu là các thành viên của OPEC+ muốn tăng sản lượng dầu thô; Bloomberg cho biết đó là UAE, Iraq, Algeria, và Kazakhstan; nhưng Saudi Arabia từ chối, đồng thời cảnh báo nhóm OPEC+ thận trong trong việc đưa thêm dầu vào thị trường.
EIA nhận định việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ đang làm giảm tồn kho dầu toàn cầu trong nửa đầu năm 2024 với mức ước tính trung bình là 0.3 triệu thùng/ngày. Một số nhà sản xuất của OPEC+ được dự đoán sẽ tiếp tục hạn chế sản xuất sau khi cắt giảm tự nguyện hiện tại của nhóm này hết hạn vào cuối tháng 6.
Một yếu tố nữa, theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dù có những căng thẳng về địa chính trị, biến động giá dầu thô đã dịu bớt đi nhờ công suất sản xuất dư thừa còn lớn. Công suất dư thừa là tổng sản lượng dầu có thể bắt tay vào khai thác ngay sau 30 ngày với thời hạn khai thác ít nhất là 90 ngày.
Nếu những người nắm giữ năng lực sản xuất dư thừa lựa chọn triển khai, nguồn cung có thể sẵn sàng cho thị trường dầu mỏ trong trường hợp có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung ngắn hạn nào. Ước tính năng lực sản xuất dư thừa của OPEC sẽ vào khoảng 4 triệu thùng/ngày cho đến năm 2025.
EIA kỳ vọng sản lượng dầu tiếp tục bị hạn chế và dự báo thị trường tương đối cân bằng trong nửa sau 2024, giá dầu khi đó giữ ở mức gần 90 USD/thùng, trước khi nguồn cung tăng trưởng mạnh hơn góp phần làm tồn kho dầu toàn cầu tăng 0.4 triệu thùng/ngày trong năm 2025, làm giá dầu giảm xuống trung bình còn 85 USD/thùng trong năm tới. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm không chắc chắn diễn biến ở Trung Đông, nơi có thể làm tăng biến động của giá dầu và dẫn tới giá tăng mạnh.
Nguồn: Tổng hợp