Phân tích cơ bản
Giới thiệu thị trường ngô
Ngô là loại ngũ cốc được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, được xếp vào nhóm lương thực quan trọng. Loại ngũ cốc này được trồng ở khắp nơi trên thế giới, tập trung nhiều ở vùng Nam Mỹ. Tại Mỹ, ngô được trồng ở hầu hết các tiểu bang, nhưng sản xuất và thu hoạch tập trung ở Trung Tây, được gọi là vành đai ngô (Corn Belt).
Ngô mang lại nhiều công dụng trong cuộc sống thường ngày, dùng làm thức ăn chủ yếu cho con người và là thành phần chính của thức ăn chăn nuôi. Vì có hàm lượng fructose cao nên ngô còn được sử dụng như một chất tạo ngọt để sản xuất xi rô ngô, dầu ngô. Bên cạnh đó, ngô còn được sử dụng để sản xuất ethanol. Các nhà máy ở Mỹ sản xuất hơn 50% lượng ethanol trên thế giới, khoảng 1/3 sản phẩm phụ được tạo ra trong quá trình sản xuất ethanol trở thành thức ăn chăn nuôi, thường ở dạng hạt chưng cất, thức ăn gluten ngô và bột ngô. Nếu dư thừa, ngô có thể được xuất khẩu sang các quốc gia cần loại nông sản này.
Công dụng của ngô
Nguồn: MXV
Tại Việt Nam, ngô là sản phẩm nhập khẩu quan trọng, cũng là thành phần phối trộn chiếm tỷ trọng lớn trong thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu một lượng khá lớn. Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ước tính Việt Nam nhập khẩu 12 triệu tấn trong niên vụ 2024/25, chiếm 6% và đứng thứ 6 thế giới. Báo cáo tháng 4/2024 của VietnamBiz, khối lượng nhập khẩu lúa mì giảm 20.9% so với năm ngoái xuống 808,186 tấn; khối lượng nhập khẩu ngô tăng 13.6% lên 661,615 tấn; khối lượng nhập khẩu đậu nành tăng nhẹ 2% lên 222,830 tấn.
Sở dĩ nhu cầu nhập khẩu lớn như vậy vì nguồn cung nội địa không đáp ứng được đầy đủ, sản lượng có xu hướng giảm từ năm 2015 đến nay. Niêm giám thống kê 2022 ước tính sản lượng ngô năm 2022 đạt hơn 4.4 triệu tấn, trong khi đỉnh điểm năm 2015 là gần 5.3 triệu tấn. Ngô nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ 3 thị trường Argentina, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, Argentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam.
Sản lượng ngô nội địa có xu hướng giảm theo năm
Nguồn: Niêm giám thống kê năm 2022, Tổng cục Thống kê (GSO).
Các sản phẩm ngô phái sinh
Hợp đồng tương lai ngô đầu tiên bắt đầu giao dịch tại Sàn Giao dịch Hàng hóa Chicago (CBOT) vào năm 1877. Các hợp đồng tương lai cho phép nhà đầu tư mua hoặc bán ngô với một mức giá xác định vào một thời điểm trong tương lai. Đây là một công cụ hiệu quả để bảo vệ rủi ro giá, đặc biệt là đối với các nhà nhập khẩu, đồng thời giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư. Hợp đồng tương lai ngô có thanh khoản và được giao dịch nhiều nhất trong nhóm nông sản, với trung bình là 350,000 hợp đồng được giao dịch mỗi ngày; và khối lượng mở (OI) đỉnh điểm lên đến 1.7 triệu đơn vị, theo CME Group. Đặc tả hợp đồng tương lai ngô tại MXV, liên thông với thế giới được mô tả như bên dưới.
Nguồn: MXV
Ngoài giao dịch hợp đồng tương lai, ngô còn có thể được giao dịch bằng sản phẩm CFD (Contracts for Difference). CFD mang lại sự linh hoạt cao, cho phép nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thị trường và sử dụng đòn bẩy tài chính để tăng cường lợi nhuận. Tuy nhiên, giao dịch CFD cũng đi kèm với rủi ro cao hơn do sử dụng đòn bẩy và sự biến động giá lớn.
Tại IFC Markets, giá futures ngô tính theo đô la Mỹ cho 100 giạ (1 hợp đồng CFD là 100 giạ, 1 lot là 200 đơn vị hợp đồng). 1 giạ là đơn vị thể tích và khối lượng: 35.2391 lít (tại Mĩ) và 1 giạ ngô bằng 25.4 kg. Còn sàn XTB cung cấp mô tả giao dịch CFD như bên dưới. Trong đó, spread là chênh lệch thấp nhất có thể giữa giá Bid (giá có thể bán sản phẩm) và giá Ask (giá có thể mua), ví dụ giá Ask của vàng là 1,875.50 và giá Bid là 1,975.95 thì spread là 45 xu.
Nguồn: Internet
Nguồn: Tổng hợp